Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
CHÙA ĐỒNG QUẢNG THẠCH

Quảng Thạch là xã được tách ra từ xã Quảng Chính lớn từ năm 1954, là xã, có sông, có núi, có rừng, có biển được thiên nhiên ban tặng nhiều danh thắng nổi tiếng như: Núi Bồ, Núi Đỏ, Núi Eo, núi Đá Chồng, Núi Chúa…

                                                                                    

                                   CHÙA ĐỒNG (LINH ỨNG TỰ)

XÃ QUẢNG THẠCH, HUYỆN QUẢNG XƯƠNG, TỈNH THANH HÓA

 

     Quảng Thạch là xã được tách ra từ xã Quảng Chính lớn từ năm 1954, là xã, có sông, có núi, có rừng, có biển được thiên nhiên ban tặng nhiều danh thắng nổi tiếng như: Núi Bồ, Núi Đỏ, Núi Eo, núi Đá Chồng, Núi Chúa…Là những dãy núi có độ cao dưới 300m so với mặt nước biển tạo điều kiện thuận lợi cho trồng cây gây rừng, phát triển kinh tế, dịch vụ, du lịch sinh thái.Xưa kia nơi đây chỉ là rừng núi rậm rạp những cánh rừng cổ thụ và lau sậy sát liền với biển cả. Dưới chân núi là giếng Muồng, giếng Rồng có nguồn nước tự nhiên từ lòng đất chảy ra không bao giờ cạn trở thành truyền thuyết huyền thoại, phong cảnh thiên nhiên huyền bí linh thiêng. Dòng sông Lý hiền hòa hợp với sông Yên đổ ra Lạch Mom. Tất cả hội tụ tạo thành quần thể non nước hữu tình, là nguồn cảm hứng cho thơ, ca, hò vè:

Dưới chân núi Đá Chồng, ngay sát cạnh sông Cờ Đỏ là ngôi Chùa Đồng được xây dựng từ ngàn đời nay. Là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của bà con các xã phía Nam huyện Quảng Xương, là nơi lưu giữ hồn cốt dân tộc cũng là nơi sản sinh ra những truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc. Tại đây từ ngàn xưa đã có các lễ hội đua thuyền, lễ hội cầu ngư, lễ hội bánh đúc bánh đa, lên đồng cùng những làn điệu chầu văn, những câu hò đối đáp của các nam thanh nữ tú làng trên xóm dưới mỗi khi trăng lên. Nhớ lắm những cầu hò điệu hát xưa kia. 

Theo các cụ cao niên kể lại “Chùa Đồng có quy mô cũng như không gian kiến trúc vào loại lớn trong tỉnh Thanh Hóa. Chùa Đồng do Làng Mom quản lý vì Làng Mom đã đổ đầy tiền đồng vào con Voi đan bằng tre sau khi chùa được tu sửa vào những năm đầu thể kỷ XX. Chùa Đồng được xây dựng theo lối chữ công, mặt ngoảnh hướng Nam. Tiền đường 5 gian, hậu cung 3 gian, ngoài ra còn có các công trình kiến trúc quy mô khác như: Nhà bia, lầu chuông, Phủ Mẩu, nhà Giải vũ…Chính giữa tiền đường đặt bàn thờ vua Nhà Lý và các quan. Gian bên hữu thờ thần Hộ pháp (ông Thiện) và Đức Thánh hiền, Ngũ điện Diêm Vương. Gian bên tả thờ thần Hộ pháp (ông Võ) và Đức Chúa ông cùng Ngũ điện Diêm Vương. Trên bức bàn của 3 cửa ra vào chính, bài trí tượng La Hán, mỗi tượng cao chừng 50 cm. Hậu cung chùa rộng 3 gian 4 mái lợp bằng ngói mũi hài cũng được kiến trúc theo lối chồng rường kẻ bẩy, được trạm trổ hoa văn rồng mây, tứ quý. Về bài trí thờ chia làm 5 cấp: Lớp trên cùng là giáp nóc mái, là tượng Tam thế ngồi trên tòa sen trong tư thế thiền định. Lớp thứ hai là tượng Thích Ca chuyển pháp. Lớp thứ ba là tượng Quan Âm Chuẩn đề (Phật Bà nghìn mắt nghìn tay). Lớp thứ tư là tòa Cửu Long, tả Phật sơ sinh đứng trên đài sen, xung quanh có 9 con rồng phun nước tắm Ngài. Lớp thứ 5 là nơi đặt hương án, phía dưới hương án là bệ tụng kinh. Lầu chuông bằng gỗ được dựng phía trái gần cổng ra vào gồm hai tầng lầu 4 mái. Tầng một để thoáng, có cầu thang gỗ đi lên lầu trên. Trên lầu treo một quả chuông lớn, thân chuông này được chia làm 4 phần, mỗi phần được trạm khắc các hình tượng, tượng trưng cho 4 mùa, quai chuông đúc 4 con rồng. Đến mùa nào thì dóng chuông ở phần thân của mùa đó. Mỗi khi tiếng chuông vang lên thì các huyện lân cận đều nghe rõ. Nhà bia là nơi lưu giữ gần chục tấm bia to nhỏ khác nhau, trong đó có những tấm bia lớn được trạm khắc cầu kỳ. Nhà Giải vũ, nối từ cổng đi vào chùa chính mỗi bên 5 gian thông nhau, phía trước không để cửa, phía sau xây tường, là nơi để tín đồ phật tử nghỉ ngơi, sắp lễ trước khi vào lễ Phật. Nhà Mẫu là công trình kiến trúc độc lập được xây dựng theo lối chữ nhất, tọa lạc phía sau hậu cung. Phần gian trong, lớp thứ nhất thờ Tam tòa Thánh mẫu, có ba pho tượng Thánh mẫu ngồi trong khám thờ. Lớp thứ hai là thờ Vua cha Ngọc Hoàng, hai bên là Nam Tào, Bắc Đẩu. Lớp thứ ba thờ Ngũ vị tôn quan. Phần gian ngoài bên phải là bàn thờ Đại Can quốc gia Nam Hải Tứ vị thánh nương. Phần còn lại là nơi dành cho tín đồ thực hiện các nghi thức tôn giáo cũng như tổ chức các sinh hoạt văn hóa tâm linh. Ngoài ra chùa còn có ao lớn, giếng và rất nhiều cây cổ thụ lớn như: Gạo, Muỗm, Xà cừ, Chay và các loại cây ăn quả khác”.

Trải qua năm tháng chiến tranh và trầm luân của lịch sử, ngôi chùa không còn nữa, các công trình kiến trúc, nền móng cũ ẩn sâu dưới lòng đất, tượng phật, chuông đồng, bia đá đã bị tàn phá và lưu lạc phương nào. Những lễ hội, câu hò điệu hát phai nhạt theo năm tháng. Hình ảnh ngôi chùa chỉ còn lưu lại trong trí nhớ và hoài niệm của các cụ cao niên trong vùng. Chỉ còn những câu chuyện, những truyền thuyết về sự linh nghiệm và hiển ứng làm minh chứng cho sự tồn tại của ngôi cổ tự này. Sự vắng bóng ấy đã gieo vào lòng mỗi người con nơi đây một nỗi nhớ nhung vời vợi hơn nửa thế kỷ qua. Hình bóng ngôi chùa luôn in đậm vào tâm can mọi người dân quê ta. Trong sâu thẳm lòng người, luôn ước nguyện phục hồi lại ngôi chùa, để bà con phật tử xa gần dâng hương thờ phụng, gửi gắm những mong ước, nguyện cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, người người yên vui, đoàn kết cùng nhau xây dựng quê hương, đất nước thêm giàu đẹp, để nó trở thành niềm kiêu hãnh, niềm tự hào và sự gắn kết của cộng đồng chúng ta. "Dù ai đi đâu về đâu, Chùa Đồng đất mẹ nhớ nhau thì về".

Cái nhớ nhung da diết, cái ước nguyện sâu thẳm ấy đang từng bước trở thành hiện thực. Sau thời gian một năm, được sự đồng ý của các cấp lãnh đạo, chính quyền, sự giúp đỡ của Hội Phật giáo tỉnh và huyệ, cùng các nhà sư, Chùa Đồng đã và đang được nhân dân trong và ngoài xã, bà con phật tử xa gần, các nhà hảo tâm, con em xa quê chung tay đóng góp xây dựng. Một số hạng mục công trình đang được hoàn thiện như: Nhà Tổ, lầu Quan Âm…Hiện tại đang tiếp tục xây dựng các hạng mục của chùa như: Nhà Tam Bảo, Tam Quan, Gác chuông, Gác trống…dự kiến đây sẽ là công trình có quy mô lớn, tráng lệ, hòa quyện với thiên nhiên tươi đẹp. Ngoài ý nghĩa linh thiêng về tâm linh, về giá trị văn hóa, kiến trúc cổ kim mà còn tạo nên một phật cảnh tâm linh cho du khách thập phương hành hương về chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên nhiên, thắp hương hướng phật, tạo nếp sống hướng thượng, là nơi để nhân dân địa phương tu học, gìn giữ những phong tục tập quán tốt đẹp mà các bậc tiền nhân đã dày công xây dựng.

Với nỗ lực cố gắng của cán bộ, nhân dân địa phương và Đại đức Thích Nguyên Hồi, đã kêu gọi các nhà hảo tâm, con em xa quê tài trợ kinh phí để đúc chuông, đặc biệt là gia đình ông Nguyễn Xuân Quang ở thôn Thạch Ngọc hiện đang sinh sống và làm việc tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã ủng hộ 300 triệu đồng. Ngày 04/01/2015 tức là ngày 14 tháng 11 năm Giáp Ngọ, Ban quản lý và nhà chùa đã tiến hành làm Lễ đúc chuông Chùa Đồng.

Hơn 2 năm qua, Đại đức Thích Nguyên Hồi cùng với chính quyền địa phương tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép quy hoạch, cấp phép xây dựng Chùa Đồng. Đồng thời tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, con em xa quê, phật tử xã gần công đức để xây dựng các hạng mục nhà Tam Bảo, Tam Quan …

Ngày 30/7/2017 tức là ngày (08/6 Nhuận năm Đinh Dậu) chính quyền địa phương cùng với Nhà chùa tổ chức Đại lễ đặt đá xây dựng ngôi đại hùng bảo điện (Tam Bảo) và đúc ba pho tượng “Tam thế Phật”. Đây là một sự kiện quan trọng có nhiều khách thập phương, con em xa quê, phật tử xa gần về dự lễ và công đức để đóng góp tiền của, vật chất, tinh thần xây dựng chùa và chắc chắn rằng với sự đóng góp của nhiều tổ chức, cá nhân Chùa Đồng (Linh Ứng Tự) dần dần sẽ được khôi phục hoàn thành các hạng mục, Chùa Đồng sẽ là nơi để các phật tử xa gần đến đến vãn cảnh và niệm phật cũng như hoạt động tín ngưỡng tâm linh./.